Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2016

Triền kí ức

Triền kí ức
Cái thời ấy là cái thời mà tôi còn là một con nhóc lanh chanh nghịch ngợm thích phá vỡ những điều cấm đoán của ba má, với quyết tâm sôi hừng hực rằng mình sẽ khám phá ra những điều mới lạ, sẽ đi đến những vùng đất mới, ý tưởng ấy nhen nhóm khi tôi được ba tặng cuốn Dế mèn phiêu lưu kí -  cuốn sách đầu tiên ngoài sách giáo khoa trong ngày sinh nhật. Giấc mộng của tuổi thơ tưởng chừng như chỉ mới đây.

Nơi tôi sống là một vùng quê. Cách thị trấn gần nhất chỉ vỏn vẹn bốn cây số, nhưng khái niệm đi qua thị trấn với tôi là một điều xa xỉ, bởi ngăn cách giữa là dải sông Ba hiền hòa vắt vẻo. Cái thời ấy chưa có cầu như  bây giờ, muốn đi qua bên ấy phải chờ một chuyến đò ngang. Chuyến đò ngày có khoảng ba lần qua lại. Bên bờ là những con mắt mong mỏi chờ đò, và khi chuyến đò cập bến người người hối hả đi lên. Rồi có cả sự vội vàng của anh học trò suýt lỡ chuyến đò sớm, sợ trễ mất giờ học sáng. 

Lúc ấy tôi vẫn mơ ước được đi qua lại con sông, đơn giản là thích cảm giác xuyên qua những điều ngăn cản khiến tôi tò mò. Nhưng tôi không có đủ tiền, nên trước khi thực hiện cái ý tưởng mơ mộng lúc ấy, thì tôi đành ngậm ngùi giam mình bên bờ sông bên này,  chạy nhảy long nhong trên triền sông, lúc ùa mình trên bãi cát đục đục bắt những con hến be bé, đến bên phiến đá ngấp nghé để “ rứt ” ốc, rồi lại leo trèo trên những cành ổi bên triền dốc, hái những quả chín thơm lựng ruột vàng, lúc với tay đến những cùm sửa bò chín mọng ngọt lịm nơi đầu lưỡi, mặc nắng chảy dài thành giọt nước trên tóc, trên vai, lúc lại ườn mình ra bãi cỏ xanh ngắt, lười biếng ngắm nhìn đàn bò thong dong gặm cỏ

Triền kí ức

Rồi đến khi mặt trời tỏa hình nan quạt tôi tất bật dựng chiếc xe đạp lên líu lo qua những quãng đường gầy tênh ngập gió. Rồi có cả những trưa tôi lén má đi hái trứng cá chơi dồ hàng, để tóc hanh vàng khét lẹt khi lẽo đẽo theo đám con trai chơi bắn bi, tán dép, long nhong trên những cánh đồng, bãi cỏ để bắt dế, thả diều. La í ới hi nhìn thấy chiếc máy bay, ôm mộng có đôi cánh để chu du khắp chốn, và điểm đến đầu tiên của tôi chắc chắn sẽ là thị trấn nhỏ bên kia sông.

Dù mỗi lần như thế ba phát hiện là mông tôi lằn lên những đường dài như con lươn đỏ. Nhưng tôi vẫn không bỏ đươi cháy sém cả góc tường. Sau lần ấy tôi bị “ cấm túc ”, ba má ép tôi vào khuôn khổ, đưa lịch học đủ thứ. Ba má theo dõi tôi gắt gao, không cho tôi lẻ ra ngoài vào buổi trưa nữa. Tôi nghe tiếng í ới thì thầm của lũ con nít trong xóm qua khe cửa mà lúc đó tôi chỉ biết rấm rứt khóc rồi tiếc hùi hụi.

Triền kí ức

Cây cầu sừng sững xinh đẹp khánh thành trong niềm hân hoan của mọi người. Thị trấn nhỏ ấy giờ đây tôi đi lại ngày hai vòng Ước mơ lớn lao ngày ấy được thực hiện và lãng quên bởi sự tuần hoàn nhàm chán, thay vào đó là những hoài bão lớn lao, những cuộc chạy đua tìm đích hoàn hảo…

Thời ấy giờ sao xa quá dù cái ký ức sánh như thứ mật ong  quện tôi vào trong mỗi phút, dòng nước mát của dòng  sông vẫn như tôi vừa đắm mình. Con đường gồ ghề vô tư thay vào là dải đường nhựa duyên dáng bằng phẳng.

Mọi thứ đủ đầy và trơn nhẵn. Nhưng cành ổi giờ sao trĩu nặng quá những suy tư? Hay bởi chẳng còn con đường nhỏ ngoằn ngoèo giữ nụ cười của một con nhóc líu lo trong chiều vắng  rơi đây mất? Và chẳng còn đủ thời gian để đánh rối mái đầu của nó? Chẳng còn cả những chuyến đò chẳng còn chở nặng ước mơ cắp sách đơn sơ của cậu học trò nhỏ, nặng trĩu nhọc nhằn của những người đi buôn?

Triền kí ức

Chả biết! Tôi chỉ biết con nhóc ấy là của ngày xưa, là ngày nó còn nhỏ, còn tôi bây giờ đã lớn, nghĩa là tôi được đóng khuôn vào trách nhiệm, nghĩa vụ tiến xa hơn, bước những bước dài hơn để trở thành người lớn hơn nữa. Tôi được bao quanh bởi “ phải chạy”, “phải đua”, “thành tích”, “mơ ước lớn lao”, “đại học”.

Đúng … chẳng có gì là không đúng khi tiến lên cả.

Tôi thấy màn nước đùng đục của dòng sông, bầu trời vẫn vũ những đám mây gói nước nặng trịch, cơn gió quằn quại quât từng nhát qua những nhành cây khẳng khiu gầy guộc. 

Nắng lật đật chạy trốn giữa mênh mang…


Phải chăng ? Khi đóng khuôn vào chữ “Lớn” tôi lại thấy mọi thứ chẳng trong trẻo như xưa?

Xem thêm : 






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét