Trở về quê vào ngày mùa bận rộn, tôi tìm kiếm ký ức tuổi thơ quen thuộc để quên đi những lo toan, mệt mỏi của cuộc sống bon chen nơi phố phường. Cây sữa đầu làng tôi vẫn thế! Vẫn nghiêng bóng chìa những cành lá như muốn ôm trọn vào lòng mình người con dân quê.
Làng tôi yên bình lắm. Yên bình ngay từ cái tên An Thái thân thương, đến những lũy tre làng bao bọc quanh làng cùng dãy núi và con kênh Nham Biển cổ tích. Tôi nhớ rất rõ, khi còn là cô bé lớp ba đã theo ông ngoại đến từng ngõ làng trồng cây. Mỗi cây được trồng ông đều nói cho tôi ý nghĩa. Và cô học sinh lớp ba là tôi đã rất hí hửng đón nghe từng lời ông nói như chờ nghe câu chuyện cổ tích bà kể mỗi đêm.
Này nhé, hàng bạch đàn dọc bờ kênh Nham Biển là để đón gió mỗi khi mùa sang, là để che chắn mỗi khi mưa lớn, để cho lũ ong bướm tìm lấy mật vào mùa hoa nở- mật hoa bạch đàn là nhất rồi! Và là để lũ trẻ chúng tôi có cái thú sung sướng rằng có bạn xì xào những câu chuyện nhỏ to. Cây khế ngọt ông trồng trong vườn nhà là để nhắc con cháu biết yêu thương. Những gốc vải sau núi được trồng là giúp gia đình có thêm thu nhập, và để cho vườn Nham Biển sau làng thêm phong phú, lũ chim chóc cũng có thêm nơi làm tổ. Cây gạo đầu làng, chính tôi xách nước tưới khi cây vừa trồng xuống, ông nói là để cầu mong no đủ cho cả làng; để mỗi khi hè sang, khi hoa gạo đỏ rực trên cây là chúng tôi biết nuối tiếc một năm học đã qua…
Cây hoa sữa đầu bên kia là để các em bé luôn có sữa bú hả ông?
Ông bật cười sau câu hỏi ngây ngô của cô cháu: “Cha tiên sư bố cô, chỉ được cái lẻo mép!”.
Sữa đã nhiều tuổi hơn ông tôi rồi, và lũ trẻ con chúng tôi vẫn hay gọi là Cụ sữa, rồi trèo lên cây, leo qua từng cành chìa phía xa chơi đùa. Có khi còn bẻ lấy cành sữa để cho nhựa rớt từng giọt lên người, lên cây, rơi xuống đất mà cười thích thú. Kì lạ là, nhựa cây trắng tinh như sữa mẹ. Một điều thú vị mà chúng tôi phát hiện ra ấy là thỉnh thoảng, trong hốc nhỏ nơi gốc cây có những đồng 500, rồi có khi 1000, 2000…người trong làng khác khi tới hái vài cành lá mang về để lại. Mẹ bảo, đó là người ta đến mua sữa. Khi một em bé được sinh ra, nếu người mẹ bị mất sữa thì người nhà cử người đi hái những cành sữa này, để lại ở gốc cây một ít tiền lẻ rồi cứ thì rao lên: “ Ai mua sữa, ai mua sữa không?”, phụ sản thấy tiếng rao thì hô lên: “Có , tôi mua!”, hai bên trao đổi, mua bán. Tất nhiên mức chi phí chỉ là hình thức, và mọi hành động được tiến hành tự nhiên, không được sắp đặt trước. Cành sữa mua được để ở đầu giường sinh, sau một hai hôm thì sữa của người mẹ dẽ trở về trở lại. Phát hiện thế nên lũ trẻ con chúng tôi rất háo hức mỗi khi thấy có người tới mua sữa, chỉ chờ thật nhanh người ta đi khuất mà chạy ra chắp tay xin cụ sữa tiền đi ăn vặt…
Đó cũng là lý do mà cô bé lớp ba là tôi hồi đó nhanh nhảu hỏi ông về cây hoa sữa đầu bên kia. Ông trầm ngâm một lát rồi cũng kể cho tôi nghe về cây hoa sữa bên kia. Đó là cây sữa do cụ tôi, cũng là cha của ông trồng khi ông còn chưa sinh ra. Khi ấy, làng còn nghèo lắm, dân làng ở thưa thớt nên mỗi nhà có vườn rộng thênh thang, cây cối mọc um tùm khắp các ngõ làng. Vườn nhà cụ rộng tới tận khu đất đầu làng bây giờ. Vì nghèo đói nên nhiều bà mẹ không có sữa và em bé sinh ra cứ đói mà khóc suốt. Một hôm cụ mang từ đâu về một cây sữa nhỏ và trồng nơi góc vườn. Tới khi ông tôi lớn lên, cụ mới kể cho ông về cây sữa. Đó là một bài thuốc dân gian chữa bị mất sữa cho phụ sản, cụ đem cây về trồng khi cụ bà mang thai ông, và không biết do hiệu nghiệm thật hay chỉ là nghĩ vậy nhưng cụ bà khi sinh ông tôi đã không bị mất sữa.
Cây sữa thế theo tuổi ông, theo làng xóm mà lớn lên, tới giờ nó đã trở thành cụ sữa và cạnh chỗ cây sữa mọc nay đã là chân cầu để dẫn vào làng tôi chứ không là riêng vườn nhà cụ nữa. Như thế, hương hoa sữa cũng gắn bó với ông, với làng quê tôi, với tuổi thơ tôi từ khi đó. Một thứ hương đặc trưng, kì lạ. Khi xa thoảng điều gì đó như quyến rũ, mê hồn; khi gần thì ngọt ngào, nồng nàn như đứa trẻ vừa no sau cơn thèm sữa của mẹ, không thể bí thêm mà cũng chẳng muốn rời đi…
Hương sữa cứ thế ôm trọn tuổi thơ tôi, trong trẻo mà rất đỗi nồng nàn! Tôi yêu thứ mùi hương ấy cũng tự nhiên như thế và chờ đợi mỗi mùa thu sang để được đứng dưới tán cây của cụ sữa mà hít lấy hít để cho thỏa mãn lòng suốt mấy mùa dài thiếu vấng và để lưu lại phần cho những mùa sau…
Xem thêm :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét